"Dị nhân" cầu

Gọi ông là "dị nhân sáng chế" không chỉ bởi những sản phẩm khó "đụng hàng" này mà còn bởi cách ông tạo ra chúng. Ông là Phan Đình Phương, người khiến cầu Rồng phun nước ở "phút 89".

Ông Phương miệt mài với sáng chế của mình

“Biến tấu ” đầu rồng

Ông Phương như “dán mắt” vào chiếc màn hình vi tính, với đủ hình khối, bản vẽ. Hình ảnh chiếc đầu rồng trên cây cầu Rồng “thương hiệu” Đà Nẵng bỗng chốc trở nên sinh động. Chuyện phun nước, lửa cầu Rồng vốn đã lạ, nhưng cái cách ông Phương đến với dự án này còn lạ hơn.

Trước ngày cây cầu hoàn thành (tháng 3/2013), ông Nguyễn Bá Thanh (lúc ấy đang là Bí thư Thành ủy Đà Nẵng), yêu cầu rồng phải phun được lửa, nước. Nghe đâu phía Công ty TNHH điện tử Philips mời được đơn vị chuyên phun lửa ở Khu du lịch Đại Nam (Bình Dương), nhưng phun nước thì “bó tay”. Nhờ gợi ý của ông Thanh, mọi người mới biết đến gõ cửa ông Phương. 

Sẵn công nghệ chữa cháy tự hành độc nhất vô nhị, ông Phương lắp máy nén khí 20KW, qua hệ thống cột bơm, dẫn đẩy nước lên đầu rồng ra vòi phun tự chế. Cứ thế, những ngày cuối tuần, đầu rồng “nhả” cột nước vươn xa hơn 120 m hấp dẫn hàng vạn lượt du khách. “Mỗi đêm rồng phun ba lần nước, với tổng số 4 nghìn m3 hơi… Nhưng chỉ tốn chừng vài chục nghìn tiền nước”, ông Phương tự hào. 

Gần hai năm cầu Rồng hoàn thành, ông Phương âm thầm đi tìm những ý tưởng “độc”. Theo ông Phương, đầu rồng hiện tại bị hạn chế bởi thế “chúi đầu”, mặt rồng “đơ cứng”... Thay vì nặng đến 15 tấn, ông Phương đề xuất phương án chỉ nặng 3 tấn và hoàn toàn có thể chớp mắt, mỉm cười, quay phải - trái, nhờ cải tạo khung thép bằng chất liệu nhựa HDFE có khả năng chịu được bão cấp 15, tuổi thọ trên 100 năm, cùng hệ thống trục quay, giá đẩy.

Táo bạo hơn, ông Phương đề xuất phương án làm hai đầu rồng ở khung đỉnh cao nhất của cầu, quay chếch mặt vào nhau, cùng phun nước, phun lửa theo chủ đề, trên nền nhạc, ánh sáng. “Khi đó, rồng sẽ sống động, không còn bị cảm giác nhàm chán khi chỉ phun nước, lửa ở mỗi tư thế, lặp đi lặp lại. Rồng thực sự có sức sống và càng thu hút người dân, du khách hơn”, ông Phương nói.  

Cầu Rồng bắc qua sông Hàn (Đà Nẵng)

“Mềm hóa” những cây cầu

Chưa hết, ông Phương ấp ủ “làm mới” hàng loạt cầu qua sông Hàn bằng hiệu ứng nước, âm thanh, ánh sáng. Với cầu Sông Hàn, ông Phương đề xuất làm sân khấu nhạc nước, cầu quay vào ban ngày. Hai bên cầu, hai trụ đỡ cầu quay và dọc hai bên bờ kè sẽ là khúc biến tấu của các hiệu ứng nước phun.

Trên bức tường trong căn phòng làm việc, hàng loạt câu danh ngôn được ông Phương treo trang trọng, trong đó có câu: “Trí tưởng tượng quan trọng hơn kiến thức”. Câu nói và cả sự nghiệp nhà bác học Einstein như “vận” vào người ông khiến ông sẵn sàng cầm cố mọi tài sản, nhà cửa để “vùi đầu” vào sáng chế. Nghe đâu ông vừa gặp khó ở chính chuyện quyết toán dự án cầu Rồng. Công ty thêm nợ nần, chẳng đủ cáng đáng cho “đội quân” của mình nên phải “tinh giản biên chế”. Tóc thêm bạc, người nhuốm vẻ uể oải, ông Phương vẫn quyết dành hết tâm trí cho từng “đứa con” sáng chế của mình.

Cầu Trần Thị Lý, ông Phương sử dụng giàn đèn Led tạo biểu tượng bản đồ hình chữ S cách điệu như chú chim bồ câu ngậm cành ô liu tượng trưng bay trên cánh buồm - hệ thống dây văng cầu. 

Cầu Nguyễn Văn Trỗi với khối thép thô cứng bỗng mềm mại với chùm nước phun cầu vồng mạn phía Tây. 

Riêng 13 trụ còn dư phía bên cầu Rồng, ông Phương đề xuất nên cải tạo thành các nhà vòm hình tròn, bên trên có thể cách điệu theo các danh lam, thắng cảnh nổi tiếng trong nước, thế giới, hoặc hình phối về các chủ đề hoa, quả.

Trong nhà vòm sẽ là các điểm dừng chân dịch vụ, cà phê ngồi ngắm cầu Rồng, phía dưới là gác nhỏ câu cá, ngắm thành phố. Ông Nguyễn Hữu Sỹ, Trưởng phòng Quản lý kiến trúc đô thị (Sở Xây dựng TP Đà Nẵng) tại buổi làm việc giữa Đà Nẵng và ông Phương mới đây về các ý tưởng “độc” này ghi nhận: Cầu Nguyễn Văn Trỗi là cây cầu dã chiến nhưng có kiến trúc mái vòm đẹp, có ý nghĩa lịch sử, vì thế thành phố đã giữ lại để cải tạo thành cầu đi bộ.

Ông Bùi Hồng Trung, PGĐ Sở GTVT Đà Nẵng cho rằng: Thành phố từng có ý tưởng làm hai đầu rồng nhưng sau nhiều lần cân nhắc đã quyết định chọn một đầu rồng hướng về biển Đông mang khát vọng vươn ra biển lớn. Đồng thời với đặc trưng công trình giao thông cần độ tĩnh, ổn định.

Còn theo ông Trần Chí Cường, PGĐ Sở VH, TT&DL TP Đà Nẵng, thiết kế cầu Rồng vừa đạt hàng loạt giải thưởng quốc tế nên việc thay đổi cấu trúc, đặc biệt đầu rồng cần thận trọng để vừa đảm bảo tính kỹ thuật, vừa mang biểu tượng văn hóa - hình tượng rồng thời Lý. Tuy nhiên, nhiều ý kiến chuyên gia, nhà quản lý đồng tình cần làm đầu rồng phun nước, lửa ấn tượng, thu hút hơn. 

Theo Chánh văn phòng UBND TP Đà Nẵng Võ Văn Thương, Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Ngọc Tuấn vừa có thông báo kết luận về các ý tưởng “độc” của ông Phương, với tinh thần hoan nghênh, đồng ý chủ trương để tiến hành các biện pháp hoàn thiện ý tưởng, trình cơ quan chức năng xem xét.

Ông Tuấn thống nhất ý tưởng phun nước đầu Rồng theo nhạc (phun theo nhiều hướng) và phun sương dọc cả thân rồng nhằm tạo hiệu quả sinh động cho cầu rồng. Tuy nhiên, ý tưởng “thay mới” đầu rồng cần tiếp tục nghiên cứu, xem xét.

Xuân Huy

Tin liên quan

mai hien di dong da nang

 

mái hiên di động đà nẵng

 

mái hiên di động tại đà nẵng

 

mai hien di dong tai da nang